QC là gì? và những thông tin nhất định bạn phải biết hiện nay

By   Lionel    08/10/2019

Bộ phận QC là gì? Đây là thuật ngữ khá phổ biến hiện nay trong các công ty. Mời bạn cùng tìm hiểu về QC qua bài viết sau đây cùng chúng tôi.

Hiện nay, khái niệm QC đang ngày càng trở nên phổ biến. Các công ty, đặc biệt là các nhà máy lớn đặc biệt coi trọng vị trí của phòng QC, coi đây là bộ phận không thể thiếu. Vậy QC là gì, vai trò, công việc chính của QC tại các doanh nghiệp là gì, làm thế nào để trở thành 1 QC tốt, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.

QC là gì ?

Quality Control mà chúng ta sẽ viết tắt là QC có nghĩa là Kiểm soát chất lượng, thuộc lĩnh vực quản lý chất lượng, tập trung vào thực hiện các yêu cầu chất lượng. Kiểm soát chất lượng là việc kiểm soát các quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ thông qua kiểm soát các yếu tố như con người, máy móc, nguyên vật liệu, phương pháp, thông tin và môi trường làm việc (theo định nghĩa của Wikipedia). 

Như vậy có thể hiểu QC là việc kiểm soát tất cả các khâu, các yếu tố từ nguyên vật liệu đến khi tạo ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh. Việc kiểm soát này bao trùm tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tạo ra sản phẩm từ con người, máy móc, nguyên vật liệu, quá trình sản xuất, môi trường làm việc….

Nhân viên QC ?

Nhân viên QC (còn được gọi là nhân viên KCS)  là người chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm. Nói cách khác, nhân viên QC là người thay mặt khách hàng trải nghiệm, sử dụng, đánh giá sản phẩm, đồng thời tìm ra các lỗi, gửi yêu cầu sửa chữa đến các bộ phận liên quan nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra cuối cùng được tốt nhất.

QC là gì

Nhiệm vụ của QC ?

QC có trách nhiệm kiểm tra sản phẩm, đưa ra các đánh giá về chất lượng cũng như tìm ra các lỗi của sản phẩm trước khi sản phẩm, hàng hóa được đóng gói, giao cho khách hàng.

Tuy nhiên việc kiểm tra, kiểm soát này phải được thực hiện song song trong từng khâu sản xuất của sản phẩm nhằm tối đa hóa chất lượng sản phẩm.

Thường mỗi nhà máy, công ty sẽ có các tiêu chuẩn định sẵn, nhân viên QC sẽ trực tiếp thực hiện kiểm tra từng khâu trong quá trình sản xuất, đảm bảo chất lượng của sản phẩm đạt các tiêu chuẩn này.

Các vị trí và công việc cụ thể của QC ?

Do đặc thù của quy trình sản xuất gồm: đầu vào, sản xuất, đầu ra, tại các nhà máy, QC cũng được chia thành các vị trí tương ứng: Thông thường, nhân viên QC được chia thành 3 vị trí: IQC – PQC – OQC. Cụ thể như sau:

4.1. Input Quality Control (IQC) - Kiểm soát chất lượng đầu vào

Input Quality Control (IQC)  là kiểm soát chất lượng đầu vào, công việc chính của IQC là kiểm soát chất lượng các nguyên liệu, vật tư đầu vào trước khi đưa vào sản xuất.

Đây là vị trí rất quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ quy trình. Nếu nguyên liệu đầu vào không đạt chất lượng sẽ kéo theo tất cả các khâu còn lại không thể đạt tiêu chuẩn. Do đó vị trí này đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc, sát sao. 

Các công việc chính IQC thường thực hiện: 

- Kiểm tra nguyên liệu, vật tư đầu vào, lập báo cáo đánh giá chất lượng, kịp thời phát hiện những nguyên vật liệu không đạt tiêu chuẩn, yêu cầu ngừng sản xuất.

- Theo dõi tình hình sử dụng và chất lượng nguyên liệu, vật tư trong quá trình sản xuất: Ngoài việc kiểm tra đầu vào, IQC cũng có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật tư trong quá trình sản xuất nhằm kịp thời phát hiện sai sót, phát hiện nguyên nhân…

- Đánh giá, làm việc trực tiếp với nhà cung cấp: Do là người trực tiếp tiếp xúc, kiểm tra nguyên vật liệu, IQC có hiểu biết, sự đánh giá chính xác nhất các nhà cung cấp. Do đó, IQC có trách nhiệm phối hợp cùng bộ phận mua hàng đánh giá nhà cung cấp, đưa ra các đề xuất để cải tiến, xử lý chất lượng nguyên vật liệu với nhà cung  cấp.  Đồng thời có thể trực tiếp làm việc với nhà cung cấp để tiếp nhận, trao đổi thông tin.

- Các công việc khác: QC cho các công ty thường đảm nhiệm thêm các công việc phát sinh như lập các form mẫu cần thiết cho công việc; Đề xuất những giải pháp nâng cao tính hiệu quả trong quy trình làm việc; Làm các báo cáo công việc; Tham gia các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ

4.2. Process Quality Control (PQC) - Kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất

Process Quality Control (PQC) là công việc kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất sản phẩm.Các công việc cụ thể của PQC:

- Xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng: Các nhà máy đều có các tiêu chuẩn sản xuất nhất định, PQC sẽ tham gia vào việc xây dựng quy trình đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn này.

- Kiểm soát chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất: kiểm soát các công đoạn làm việc cụ thể của công nhân, phát hiện, phản hồi lại các sản phẩm không đạt chuẩn. Phản ánh lại nếu nguyên vật liệu không đạt yêu cầu

- Các công việc khác: tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp, giải quyết khiếu nại của khách hàng; Tham gia công tác đào tạo, lập báo cáo chất lượng, đưa ra các ý tưởng cải tiến….

4.3. Output Quality Control (OQC) - Kiểm soát chất lượng đầu ra

Output Quality Control (OQC) chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng đầu ra của sản phẩm. Đây là công đoạn cuối cùng trong quy trình QC. OQC sẽ xác nhận xem sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng không, sản phẩm được phép xuất cho khách hàng hay chưa. Các công việc cơ bản của OQC:

- Tham gia xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm cuối cùng, phối hợp điều chỉnh tiêu chuẩn cho phù hợp.

- Kiểm soát chất lượng thành phẩm: trực tiếp kiểm tra chất lượng thành phẩm, phê duyệt các sản phẩm đạt yêu cầu, phản hồi các sản phẩm lỗi, theo dõi việc sửa chữa sản phẩm lỗi.

- Xử lý yêu cầu, khiếu nại: OQC thường làm việc trực tiếp với khách hàng, giải quyết các thắc măc, khiếu nại về sản phẩm, đưa ra các phương án xử lý.

- Các công việc khác: Đưa ra các đề xuất cải tiến, tham gia các khóa đào tạo, làm các báo cáo đánh giá…

Làm sao để trở thành nhân viên QC giỏi ?

Để trở thành nhân viên giỏi, dựa vào đặc thù của mỗi vị trí, nhân viên cần rèn luyện cho mình các kĩ năng phù hợp. Với đặc tính công việc kiểm tra, kiểm soát, đánh giá sản phẩm, muốn trở thành nhân viên QC giỏi cần có các yếu tố sau:

5.1. Hiểu biết về sản phẩm

Mục tiêu cuối cùng của nhân viên QC là đảm bảo các sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn của công ty. Chính vì vậy, điều cơ bản đầu tiên nhân viên QC cần có là hiểu biết về sản phẩm, về các tiêu chuẩn của sản phẩm, từ đó đánh giá, phát hiện được các sản phẩm lỗi, không đạt yêu cầu.

5.2. Kỹ năng kiểm tra, giám sát

QC gồm các công đoạn kiểm tra, giám sát từ khâu đầu vào đến quá trình sản xuất, thành phẩm. Điều này nhằm giúp việc sản xuất tuân theo quy trình, sớm phát hiện ra các lỗi sai, có những điều chỉnh phù hợp trước khi đi đến công đoạn hoàn thiện cuối cùng. Do vậy, nhân viên QC cần phải có kỹ năng kiểm tra, giám sát tốt nhằm đảm bảo sớm phát hiện ra lỗi, có những điều chỉnh kịp thời tránh gây sai sót hàng loạt khiến công ty chịu tổn thất lớn.

5.3. Khả năng xử lý nhanh

Trong quá trình sản xuất, việc xảy ra các sự cố ngoài ý muốn từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan là không tránh khỏi. Khi phát sinh các sự cố như nguyên vật liệu hỏng, dây chuyền máy móc có lỗi… nhân viên QC cần nhanh chóng phát hiện, đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời, giúp giảm thiểu tối đa các thiệt hại có thể gây ra.

Bất kỳ công việc nào muốn làm tốt đều yêu cầu nhân viên đó phải có tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Vai trò của nhân viên QC, đặc biệt ở các nhà máy là rất lớn, có thể ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất, sai sót có thể dẫn đến những tổn thất nặng nề cho công ty. Chính vì vậy, nhân viên QC cần tự trau dồi, luôn đặt tâm huyết, có trách nhiệm với công việc của mình. 

>>> Xem thêm các bài viết:

 

5/5 (2 bình chọn)