TÌM HIỂU VỀ HR VÀ CƠ HỘI LÀM VIỆC CỦA NGHỀ HR HIỆN NAY

By   Lionel    08/10/2019

HR là gì? Một trong những thuật ngữ liên qua đến nhân sự. Bạn sẽ hiểu rõ hơn về khái niệm HR qua bài viết sau đây nhé!

Trong xã hội hiện đại, chúng ta nghe nhiều tới các cụm từ “ nghề HR”, “ nghề IT”... Tuy nhiên, không hẳn ai cũng hiểu được rõ ý nghĩa của các từ này hoặc chỉ hiểu một cách đại khái. Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về nghề HR cũng như các vị trí mà những bạn quan tâm tới nghề này sẽ cần phải biết. Từ đó, có thể định hướng rõ hơn về nghề nghiệp tương lai của mình.

Đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu HR LÀ GÌ?

HR (Human Resources) là ngành quản trị nguồn nhân sự. Vì vậy, nhắc tới HR chúng ta sẽ liên tưởng tới các công việc xoay quanh việc quan trị nguồn nhân lực bao gồm như hoạt động tuyển dụng, đánh giá, lương thưởng chế độ phúc lợi và các mảng liên quan tới luật lao động. 

Làm thế nào để quản trị nguồn nhân lực trong doanh nghiệp một cách hiệu quả chính là bài toán mà mọi HR cần giải quyết trong quá trình làm việc. Đây cũng là bộ phận vô cùng quan trọng nếu một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì bộ phận HR luôn cần được chú trọng. Sau khi hiểu được khái niệm HR LÀ GÌ? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu tới một số khái niệm xoay quanh vị trí này như HR MANAGER LÀ GÌ? HR EXECUTIVE LÀ GÌ?

HR Manager là gì

HR MANAGER LÀ GÌ?

Đây là vị trí đứng đầu trong bộ phận nhân sự, tùy theo quy mô công ty mà vị trí này sẽ được dịch ra thành Trưởng phòng nhân sự hay trưởng ban nhân sự đối với các doanh nghiệp quy mô tập đoàn. Đây chính là người chịu trách nhiệm cao nhất tại bộ phận nhân sự, điều hành mọi công việc của bộ phận nhân sự cũng như chịu trách nhiệm đối với lãnh đạo doanh nghiệp cho hiệu quả hoạt động của bộ phận nhân sự.

Đây chính là một vị trí quan trọng trong doanh nghiệp mà mọi ông chủ doanh nghiệp đều muốn tìm được một cá nhân thật ưu tú cho vị trí này. Không những thế, trách nhiệm và vai trò của vị trí này ngày càng quan trọng trong xã hội ngày một phát triển, việc chú trọng vào con người là không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. Trăn trở làm sao tìm được một HR MANAGER thật xuất sắc cũng là một bài toán mà doanh nghiệp tại Việt Nam ngày nay luôn đau đáu.

Hiểu được khái niệm HR MANAGER LÀ GÌ thì chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu một khái niệm cũng được các bạn trẻ quan tâm không kém hiện nay đó là khái niệm HR EXECUTIVE

HR EXECUTIVE LÀ GÌ?

HR EXECUTIVE là vị trí chuyên viên nhân sự, người thực hiện những công việc cụ thể trong phòng nhân sự, là những người phụ trách những mảng nhỏ hơn, giúp người phụ trách nhân sự thi hành những công việc cụ thể như chuyên viên tuyển dụng, chuyên viên lương,....

HR EXECUTIVE cũng là một vị trí quan trọng không kém, để một bộ phận nhân sự hoàn thành tốt công việc của mình thì từng chuyên viên cần làm tốt những công việc cụ thể của mình trong bộ phận nhân sự.

CÔNG VIỆC CỦA HR LÀ GÌ?

Có thể nói rằng đây chính là nghề yêu cầu sự toàn diện của mỗi cá nhân, vì sao tôi lại nói như vậy vì đây chính là một trong những ngành nghề đòi hỏi tính linh hoạt cao do bộ phận HR chính là những người đại diện cho ban lãnh đạo của doanh nghiệp nói lên tiếng nói của doanh nghiệp đó, đồng thời cũng là những người đứng về phía những người lao động để giúp họ bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Công việc của HR như đã trình bày ở trên bao gồm các nghiệp vụ nhỏ hơn như:

Hành chính

Nghiệp vụ đầu tiên không thể thiếu được đó là nghiệp vụ hành chính. Thường một doanh nghiệp các bạn luôn thấy có một vị trí lo về mặt giấy tờ hành chính cho doanh nghiệp, cũng là người đảm đương các nghiệp vụ ăn ở của nhân viên trong mỗi dịp công tác như book khách sạn, book vé máy bay....Hành chính bao gồm rất nhiều công việc nhỏ mỗi ngày, từ chấm công, lưu giữ giấy tờ, nhắc nhở các bộ phận làm theo quy trình, cung cấp văn phòng phẩm...Tuy rằng, nghiệp vụ không quá khó nhưng là vị trí đòi hỏi sự chi tiết, cẩn thận, cũng như sự nhanh nhẹn trong công việc.

Tuyển dụng

Tuyển dụng : Đây là nghiệp vụ hiện nay đang là điểm nóng trong thời điểm hiện tại. Nếu để ý một chút thì bạn thấy hàng nghìn nhóm tuyển dụng, các trang web tuyển dụng luôn luôn đầy ắp những tin đăng mới hàng ngày do tình trạng chảy máu nhân lực trong thời điểm hiện tại của nước ta. Các chuyên viên tuyển dụng luôn luôn vất vả để đi tìm những cá nhân phù hợp với doanh nghiệp và năng lực của họ có thể đáp ứng được công việc tại vị trí cần tuyển. Nhưng lý do vì sao mà các doanh nghiệp luôn vất vả trong khâu tuyển dụng này trong khi mọi năm đều có hàng chục nghìn sinh viên ra trường với đầy đủ các ngành nghề. Chúng ta luôn nói đùa với nhau rằng, tìm người thì dễ nhưng tìm được người làm được việc thì quả thực rất khó, và đây quả thực là hiện trạng cho các doanh nghiệp hiện nay.

Các sinh viên mới ra trường không trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng làm việc sẽ nhanh chóng bị đào thải và các doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng rất tốn chi phí cho khâu tuyển dụng và không tìm được ứng viên phù hợp. Vì vậy, tuyển dụng luôn là vấn đề nhức nhối không chỉ hiện tại mà còn trong tương lai. Tuyển dụng làm sao để tiết kiệm chi phí và tuyển được người phù hợp chính là bài toán mà mỗi chuyên viên tuyển dụng cần giải quyết giúp doanh nghiệp.

Để tuyển dụng được những cá nhân phù hợp trước hết phải làm sao đưa ra được bản mô tả công việc sát nhất với công việc thực tế, không yêu cầu quá cao nếu không cần thiết. Ngôn ngữ tuyển dụng cần dễ hiểu, chân thực để những ứng viên đi tìm việc có cơ hội hiểu rõ nhất về công việc mình ứng tuyển. Tuyển dụng chuyên nghiệp cũng là một điều vô cùng quan trọng để làm sao các doanh nghiệp có thể tìm được nhân tài phù hợp.

Cá nhân những người làm công tác tuyển dụng cũng cần là những người có khả năng nhìn nhận, đánh giá cũng như đưa ra các câu hỏi chính xác, thông minh để khai thác được những thông tin từ ứng viên. Việc lựa chọn được kênh tìm việc phù hợp với từng vị trí cũng rất quan trọng và là vấn đề then chốt tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong mỗi kỳ tuyển dụng.

Vì vậy, vị trí này đòi hỏi chuyên viên tuyển dụng có khả năng nhìn nhận đánh giá, xây dựng hệ thống tiêu chí tuyển dụng chính xác nhất. Đồng thời linh hoạt và nhanh nhạy để luôn tìm ra phương án tuyển dụng hợp lý và hiệu quả nhất.

Đào tạo

Sau nghiệp vụ tuyển dụng là nghiệp vụ đào tạo, đây cũng là một phần vô cùng quan trọng và luôn gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp. Đào tạo hội nhập giúp mỗi cá nhân mới gia nhập môi trường mới có thể hiểu rõ về doanh nghiệp cũng như thích nghi một cách nhanh nhất với doanh nghiệp. Trong quá trình làm việc, mỗi cá nhân đều được xây dựng một lộ trình học tập và làm việc cụ thể, chuyên viên đào tạo cần đánh giá khả năng của từng cá nhân và xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng cá nhân, cho doanh nghiệp dựa theo định hướng của doanh nghiệp.

Vị trí đào tạo là một vị trí quan trọng trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể phát triển và giữ chân được nhân tài. Cá nhân mỗi người làm công tác đào tạo đều cần có khả năng xây dựng kế hoạch, kỹ năng đào tạo và khả năng đánh giá.

Đánh giá – KPI

Một nghiệp vụ quan trọng nữa trong doanh nghiệp chính là nghiệp vụ đánh giá. Chắc hẳn chúng ta làm trong doanh nghiệp đều đã từng nghe thấy từ “ KPI”. Vậy KPI là gì? KPI trong doanh nghiệp chính là chỉ số đo lường hiệu quả công việc. Mỗi doanh nghiệp muốn vận hành hiệu quả thì đều có một hệ thống KPI để đánh giá kết quả làm việc của mỗi người lao động.

Những chỉ tiêu đánh giá phải đảm bảo tính chất đo lường được và được lượng hóa cụ thể. Làm sao để có một hệ thống đánh giá công bằng chính là một điều trăn trở là mỗi doanh nghiệp đều cần đến bộ phận nhân sự để giải quyết điều này. Tại Việt Nam, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì hệ thống đánh giá còn sơ sài và phần nào cảm tính do người lãnh đạo quyết định. Vì vậy, để làm sao xây dựng được một hệ thống đánh giá chính xác và công bằng đòi hỏi ở HR một kỹ năng nghề rất sâu, đồng thời có kinh nghiệm trong từng lĩnh vực mới có thể xây dựng được bộ KPI hiệu quả.

Nghề nhân sự là một chuỗi những nghiệp vụ liên quan tới nhau vô cùng mật thiết. Đôi khi chúng ta tự hỏi cần hệ thống đánh giá làm gì? Đánh giá cần gì phải phức tạp như vậy? Nhưng thực sự nó chỉ phát huy tối ưu hiệu quả khi sử dụng hệ thống đánh giá này để tính lương, thưởng theo tháng, quý, năm.

C&B

Tính lương là nghiệp vụ tiếp theo trong nghề HR, đảm bảo công việc tính lương hàng tháng cho nhân viên theo đúng chế độ là công việc then chốt. Đồng thời, chuyên viên tính lương cũng là những người góp phần xây dựng hệ thống thang bảng lương trong doanh nghiệp để đảm bảo được tính công bằng, khách quan trong doanh nghiệp.

Như chúng ta biết rằng, lương thưởng và chế độ phúc lợi là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để quyết định có thể thu hút được nhân tài và giữ chân được nhân tài hay không. Vì vậy, làm sao để xây dựng được một cơ chế lương minh bạch, rõ ràng, công bằng chính là một nghiệp vụ quan trọng của người tính lương trong doanh nghiệp.

Ngoài tính lương, thì bộ phận HR sẽ phụ trách luôn phần bảo hiểm của người lao động, đảm bảo bảo hiểm cho người lao động luôn được thực thi đúng pháp luật. Giải quyết các vấn đề liên quan tới lương, bảo hiểm mà người lao động khiếu nại.

Pháp chế

Một phần nữa không thể thiếu được trong nghiệp vụ của HR chính là luật, ở các doanh nghiệp lớn thì bộ phận này còn được gọi là bộ phận pháp chế. Ngoài chức năng lưu giữ hồ sơ giấy tờ liên quan tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì bộ phận pháp chế là bộ phận đảm bảo cho mọi hoạt động của doanh nghiệp được thực thi đúng pháp luật.

Ngoài những nghiệp vụ nhỏ, thì HR MANAGER còn chịu trách nhiệm tham vấn cho ban lãnh đạo doanh nghiệp chiến lược phát triển nhân sự trong thời gian dài, sao cho đảm bảo đi đúng với định hướng của doanh nghiệp, đảm có có đủ nguồn nhân lực đáp ứng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Xây dựng thương hiệu tuyển dụng uy tín cho doanh nghiệp để thu hút và giữ chân nhân tài.

Trên đây là một số nghiệp vụ của nghề HR, tôi tin rằng bài viết đã giúp các bạn phần nào hiểu rõ hơn HR LÀ GÌ? HR EXECUTIVE LÀ GÌ? HR MANAGER LÀ GÌ? CÔNG VIỆC CỦA HR là gì? Hiểu được rõ hơn về những khái niệm này thì chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu xem cơ hội nghề nghiệp với nghề HR như nào nhé!

Cơ hội nghề nghiệp với nghề HR

Hiện nay, có rất nhiều trường đào tạo và chuyên ngành hành chính nhân sự. Bạn có thể lựa chọn cho mình một môi trường phù hợp với năng lực bản thân trong số rất nhiều ngôi trường ngoài kia. HR là ngành đang dần trở nên quan trọng hơn trong xã hội Việt Nam ngày nay. Trước kia HR của một doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể làm nghiệp vụ tổng hợp và có thể cũng kiêm luôn vị trí kế toán. Tuy nhiên, ngày này với vai trò ngày càng quan trọng thì HR luôn là bộ phận được chú trọng và tuyển dụng những người có chuyên môn để làm tốt công việc ở vị trí đó. Vì vậy, nghề HR có rất nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên muốn thử sức trong công việc này.

Các bạn có thể bắt đầu từ một vị trí nhân viên trong bộ phận nhân sự, có thể phụ trách hành chính, phụ trách tuyển dụng, tính lương....tùy vào năng lực của bản thân cũng như niềm đam mê của bạn. Trược khi trở thành một HR MANAGER bạn sẽ mất vài năm hoặc vài chục năm để trải qua tất cả các vị trí chuyên môn như tuyển dụng, tính lương,...

Mỗi vị trí lại mang lại cho bạn một sự trải nghiểm nhất định là yêu cầu chuyên môn khác nhau, các bạn sinh viên mới ra trường có thể bắt đầu từ những vị trí hành chính, vị trí không yêu cầu chuyên môn quá cao nhưng là vị trí để các bạn bắt đầu làm quen với nghề HR. Các bạn cũng có thể đi theo hướng chuyên theo một vị trí nhất định. Ví dụ vị trí chuyên tuyển dụng hay chuyên tính lương đòi hỏi kinh nghiệm trong nghề và chuyên môn cao mới có thể làm tốt được.

Nghề HR hiện nay đang thu hút một lượng lớn sinh viên tập trung cho nghề này, với sự linh hoạt với nhiều vị trí nghề HR mang lại nhiều sự trải nghiệm. Với tính chất là bộ phận đứng giữa người lao đông và doanh nghiệp, bộ phận HR cần đảm bảo được tính công bằng trong công việc, cải thiện và nâng cao các mối quan hệ trong doanh nghiệp cũng như xây dựng hệ thống con người sao cho phù hợp với doanh nghiệp đó.

Văn hóa doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng không thể thiếu được trong mỗi doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp luôn đi đúng hướng và tạo mối gắn kết giữa các bộ phận, cá nhân trong doanh nghiệp. Từ đó, tạo nền tảng cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Khi bước vào một công ty, chắc hẳn mọi người đều quan tâm tới văn hóa của công ty này như thế nào, môi trường làm việc ra sao và việc xây dựng những thói quen, quy tắc trong việc giao tiếp trong doanh nghiệp, quy trình làm việc...từ những điều nhỏ nhặt qua thời gian sẽ biến nó thành văn hóa doanh nghiệp. Từ một người mới gia nhập công ty, bạn có thể cảm nhận rõ hơn về con người, công việc, môi trường làm việc và quyết định việc bạn có thích nghi nhanh với môi trường đó hay không? Môi trường làm việc của doanh nghiệp có thực sự phù hợp với bản thân của bạn hay không? Một môi trường tốt sẽ giúp các doanh nghiệp có thể giữ chân nhân tài trong doanh nghiệp, vì vậy đây là một yếu tố quan trọng và luôn được doanh nghiệp chú trọng.

Nghề HR ngoài chuyên môn thì còn đòi hỏi sự kiên nhẫn, linh hoạt vì thường xuyên giải quyết các vấn đề liên quan tới chính sách công ty cũng như giải quyết các khiếu nại của nhân viên về các vấn đề lương thưởng, bảo hiểm, hay chính sách. Đây là cơ hội cũng như thách thức đối những bạn đam mê ngành nhân sự cũng như muốn phát triển bản thân ở nghề HR.

KẾT LUẬN

Bài viết trên đây giúp bạn phần nào hiểu hơn về những khái niệm HR và những CÔNG VIỆC CỦA HR là gì? Cũng như đưa cho bạn những góc nhìn chân thực hơn và nghề này. Tôi hy vọng rằng qua đây sẽ giúp các bạn trẻ đã và đang có ý định theo đuổi công việc có một cái nhìn chân thực hơn và thực sự yêu thích nghề này hãy cố gắng tích lũy những kỹ năng, kinh nghiệm khi còn ngồi trên ghế nhà trường để phát huy hết khả năng của mình trong công việc sau này.

Là một nghề đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, tôi mong rằng sẽ có nhiều bạn trẻ đam mê và công hiến cho nghề HR để đưa nghề HR lên một tầm cao mới. Không chỉ dừng lại ở việc làm tốt những phần thừa hành, mà còn góp phần giúp các doanh nghiệp hoạch định nhân sự một cách chính xác và phù hợp với từng doanh nghiệp.

Cám ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!

>>> Xem thêm các bài viết:

5/5 (2 bình chọn)